Dùng đúng thuốc long đờm

Có nhiều sản phẩm dưới dạng viên nén, dung dịch uống, sirô, thuốc tiêm… có chứa bromhexin để trị ho, long đờm.

Có nhiều sản phẩm dưới dạng viên nén, dung dịch uống, sirô, thuốc tiêm… có chứa bromhexin để trị ho, long đờm. Đây là thuốc có tác dụng điều hòa và tiêu nhày đường hô hấp được dùng trong các trường hợp rối loạn tiết dịch phế quản nhất là trong viêm phế quản cấp tính, đợt cấp tính của viêm phế quản mạn tính. Do hoạt hóa sự tổng hợp sialomucin và phá vỡ các sợi mucopolysaccharid acid nên thuốc làm đờm lỏng hơn và ít quánh hơn. Thuốc làm long dờm dễ dàng hơn, nên làm đờm từ phế quản thoát ra ngoài có hiệu quả.

Khi bị nhiễm khuẩn nặng đường hô hấp, bắt buộc phải dùng đến kháng sinh. Dùng bromhexin phối hợp với kháng sinh (amoxicillin, cefuroxim, erythomycin, doxycylin) sẽ làm tăng nồng độ kháng sinh vào mô phổi và phế quản, do đó tăng hiệu quả điều trị bệnh. Bromhexin còn được dùng là thuốc bổ trợ trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp.

Tuy nhiên, khi dùng thuốc này cần lưu ý:

Người bệnh không được tự ý dùng thuốc kéo dài quá 8-10 ngày nếu không có ý kiến của bác sĩ.

Đối với thuốc uống, thường phải sau 2-3 ngày mới có biểu hiện tác dụng trên lâm sàng nên người bệnh không được nóng vội.

Do bromhexin có tác dụng làm long đờm nên không được dùng phối hợp với thuốc làm giảm tiết dịch (giảm cả dịch tiết khí phế quản) như atropine (hoặc anticholinergic) vì làm giảm tác dụng của bromhexin và không đạt mục đích chữa bệnh.

Ho chính là phản xạ để tống đờm ra ngoài dễ dàng hơn nên không phối hợp bromhexin với các thuốc chống ho (làm giảm ho), vì có nguy cơ ứ đọng đờm ở đường hô hấp… Đối với người cao tuổi hoặc suy nhược quá yếu, trẻ nhỏ không có khả năng khạc đờm hiệu quả cần dùng hết sức thận trọng vì nguy cơ tăng ứ đờm.

Cũng do tác dụng làm tiêu dịch nhầy nên thuốc có thể gây hủy hoại hàng rào niêm mạc dạ dày, vì vậy cũng cần thận trọng khi dùng cho người bệnh có tiền sử loét dạ dày.

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc như đau dạ dày, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhức đầu, chóng mặt, ra mồ hôi, ban da, mày đay… Tuy nhiên, các triệu chứng trên thường nhẹ và qua khỏi trong quá trình điều trị.

DS. Hoàng Thu Thủy