Thuốc giãn phế quản là loại thuốc cần thiết được dùng điều trị cho bệnh nhân mắc hai rối loạn hô hấp là hen suyễn (hen phế quản) và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Tuy nhiên, cần phải sử dụng thận trọng nhóm thuốc này do những tác dụng phụ có thể xảy ra.
Trong bệnh hen suyễn, sự thu hẹp đường hô hấp là do quá trình viêm xảy ra ở các phế quản, kèm theo tăng tính phản ứng phế quản với tác nhân kích thích gây nên sự co thắt phế quản. Còn bệnh COPD có đặc điểm bị tắc nghẽn sự thông khí hay giới hạn lưu lượng không khí ở hệ hô hấp. Trong giai đoạn nặng của COPD, lòng phế quản bị chít hẹp nhiều, niêm mạc phế quản viêm đưa đến sự tắc nghẽn ngày càng tăng làm bệnh nhân rất khó thở. Cả hai rối loạn hô hấp kể trên đều liên quan đến hiện tượng viêm và sự co thắt phế quản.
Trong điều trị hen suyễn và COPD, một trong những thuốc cơ bản dùng để điều trị là thuốc giãn phế quản, để giảm sự co thắt, chít hẹp phế quản.
Các loại thuốc giãn phế quản
Các thuốc giãn phế quản nhìn chung được chỉ định cho những trường hợp có co thắt phế quản gây khó thở cho người bệnh. Thuốc giãn phế quản có tác dụng làm giãn cơ trơn bao bọc xung quanh các phế quản, từ đó giúp làm giãn phế quản, tăng khẩu kính đường thở, không khí dễ dàng đi qua đường thở để tới các phế nang làm nhiệm vụ trao đổi khí cho hệ hô hấp. Các thuốc giãn phế quản giúp cắt cơn khó thở cũng như vai trò điều trị dự phòng để tránh xuất hiện các cơn khó thở tiếp theo ở các bệnh nhân hen phế quản.
Khi bị bệnh ở phế quản, người bệnh cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ .
Thuốc giãn phế quản hiện nay đang dùng gồm 3 nhóm:
Thuốc giãn phế quản nhóm xanthine: Nhóm thuốc này có hoạt chất theophylline dùng lâu đời. Đây là thuốc có tác dụng nhanh, ngắn, nhưng hiện nay thuốc được sản xuất dưới dạng phóng thích chậm, do đó tạo thuận lợi hơn cho người sử dụng. Nhóm thuốc xanthine bao gồm chủ yếu dạng thuốc uống (theophyllin) và dạng tiêm truyền tĩnh mạch (diaphyllin). Thuốc thường ít dùng đơn thuần mà thường dùng phối hợp với các thuốc nhóm cường beta 2 adrenergic hoặc nhóm kháng cholinergic trong điều trị.
Thuốc giãn phế quản nhóm cường beta 2 adrenergic: Gồm hai nhóm nhỏ hơn là thuốc tác dụng nhanh, ngắn như fenoterol, salbutamol, terbutaline… các thuốc nhóm này thường được dùng chủ yếu với vai trò cắt cơn khó thở và các thuốc tác dụng chậm, kéo dài như salmeterol, bambuterol, formoterol.
Thuốc giãn phế quản nhóm kháng cholinergic: Gồm hai nhóm là thuốc tác dụng nhanh, ngắn như ipratropium bromide, oxitropium bromide và thuốc tác dụng chậm, kéo dài như tiotropium bromide, aclidinium bromide.
Nhìn chung, các thuốc giãn phế quản thường được kê theo mức độ nặng của bệnh. Những bệnh nhân có tình trạng co thắt phế quản nặng hoặc những bệnh nhân có đáp ứng kém với các thuốc giãn phế quản thường được dùng nhiều thuốc giãn phế quản hơn với liều cao hơn, trong khi những bệnh nhân có bệnh ở mức độ nhẹ thường được dùng ít thuốc giãn phế quản hơn.
Khi dùng các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh, ngắn thường được ưu tiên dùng trong các đợt cấp hoặc khi bệnh nhân có cơn khó thở. Các thuốc tác dụng kéo dài thường được ưu tiên dùng cho các trường hợp bệnh giai đoạn ổn định. Do tác dụng giãn phế quản kéo dài của thuốc giúp người bệnh có cảm giác thoải mái suốt cả ngày.
Tác dụng phụ thường gặp
Thuốc giãn phế quản là loại thuốc cần thiết và rất có tác dụng trong điều trị hen suyễn và COPD, tuy nhiên đây cũng là loại thuốc có thể gây ra những tác dụng không mong muốn:
Nhịp tim nhanh: Đây là tác dụng phụ thường gặp của các thuốc nhóm cường beta 2 adrenergic và thuốc nhóm theophyllin. Tuy nhiên, tác dụng phụ xuất hiện ở nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc từng bệnh nhân, có bệnh nhân ghi nhận tác dụng mạch nhanh nhiều, thậm chí có hồi hộp, trống ngực, nhưng có nhiều bệnh nhân tác dụng này chỉ thoảng qua.
Hạ kali máu: Tình trạng này có thể gặp khi dùng thuốc giãn phế quản nhóm cường beta 2 adrenergic. Nguy cơ bị hạ kali máu tăng và có thể nặng hơn khi dùng kèm corticoid đường toàn thân.
Run tay: Đây là tác dụng phụ thường thấy trên một số bệnh nhân dùng thuốc nhóm cường beta 2 adrenergic, có bệnh nhân xuất hiện run tay nhiều, nhưng cũng có nhiều bệnh nhân không thấy xuất hiện run tay. Tình trạng run tay sẽ hết ngay khi dừng thuốc.
Ngộ độc: Là tác dụng phụ đặc biệt nghiêm trọng, dễ xảy ra khi dùng theophylline, bởi do liều độc và liều điều trị của theophyllin khá gần nhau. Các biểu hiện lâm sàng của ngộ độc theophyllin bao gồm: lo lắng, vật vã, nôn, buồn nôn, hồi hộp trống ngực, nhịp tim nhanh. Bên cạnh đó, không được dùng kèm với các thuốc kháng sinh nhóm macrolide do làm tăng nguy cơ xuất hiện xoắn đỉnh.
Chuột rút: Có thể gặp trên những bệnh nhân dùng thuốc nhóm cường beta 2 adrenergic. Một số bệnh nhân ghi nhận chuột rút, gây đau cơ, thậm chí phải dừng thuốc. Tuy nhiên, tác dụng phụ này không gây hại cho người bệnh.
Như vậy, dùng thuốc giãn phế quản khá phức tạp, người bệnh cần đi khám và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Cần nhận biết những bất thường xảy ra trong quá trình dùng thuốc và báo cho bác sĩ biết để được xử lý thích hợp, kịp thời.
DS. NGUYỄN THANH HOÀI