Lansoprazol là thuốc ức chế bơm proton, ức chế tiết acid dịch vị của dạ dày. Vì vậy, thuốc được dùng điều trị ngắn ngày chứng loét dạ dày – tá tràng…
Lansoprazol là thuốc ức chế bơm proton, ức chế tiết acid dịch vị của dạ dày. Vì vậy, thuốc được dùng điều trị ngắn ngày chứng loét dạ dày – tá tràng; Ðiều trị cấp và điều trị duy trì viêm thực quản có trợt loét ở người bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (dùng tới 8 tuần) và điều trị dài ngày các chứng tăng tiết dịch tiêu hóa bệnh lý (như hội chứng Zollinger – Ellison, u đa tuyến nội tiết, tăng dưỡng bào hệ thống). Mức độ ức chế tiết acid dạ dày của thuốc phụ thuộc vào liều dùng và thời gian điều trị, nhưng so với các chất đối kháng thụ thể H2 thì lansoprazol ức chế tiết acid tốt hơn.
Vi khuẩn H. Pylori là một trong những nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.
Lansoprazol có thể ngăn chặn Helicobacter pylori (H. Pylori) ở người loét dạ dày – tá tràng. Thuốc thường được dùng phối hợp với kháng sinh như amoxicilin và clarithromycin trong điều trị nhiễm H. pylori ở người bệnh loét tá tràng thể hoạt động. Một đợt điều trị thường từ 10 – 14 ngày. Tất cả các loại thuốc đều uống trước bữa ăn. Để điều trị loét dạ dày, thuốc được dùng 1 lần/ngày, dùng trong 4 – 8 tuần, nên uống vào buổi sáng trước bữa ăn sáng; Loét tá tràng: 1 lần/ngày, dùng trong 4 tuần hoặc đến khi khỏi bệnh. Liều lượng do bác sĩ chỉ định. Đối với người bị bệnh gan cần giảm liều. Lansoprazol không bền trong môi trường acid (dịch dạ dày), vì vậy phải uống lansoprazol trước khi ăn và không được cắn vỡ hoặc nhai viên nang trong khi uống.
Không dùng thuốc cho người quá mẫn với lansoprazol hoặc các thành phần khác của thuốc. Nên tránh dùng cho người mang thai ít nhất là trong 3 tháng đầu (tốt nhất là không nên dùng trong bất kỳ giai đoạn nào khi thai nghén). Cả lansoprazol và các chất chuyển hóa của thuốc đều bài tiết qua sữa ở chuột cống và có thể sẽ bài tiết qua sữa người mẹ. Vì tác dụng gây ung thư của thuốc trên súc vật đã được chứng minh, nên tránh dùng ở người cho con bú.
Các phản ứng phụ thường gặp nhất với lansoprazol là ở đường tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón, khó tiêu… Ngoài ra, một số người bệnh có đau đầu, chóng mặt, phát ban da, toàn thân mệt mỏi. Khi gặp những tác dụng phụ trên cần thông báo cho thầy thuốc điều trị biết để được khắc phục, xử lý thích hợp.
DS. Nguyễn Thị An