Hiện nay đang bắt đầu vào mùa nắng nóng nên các bệnh gây sốt, cảm cúm… gia tăng. Đây là lý do mà nhiều người bệnh lạm dụng thuốc giảm đau hạ sốt có chứa hoạt chất acetaminophen. Việc làm này đang gây những hậu quả không nhỏ, bởi thuốc không hề “lành” như chúng ta vẫn nghĩ. Dưới đây là các tác hại của thuốc nếu không được dùng đúng chỉ định.
Paracetamol có tên hóa học acetaminophen. Đây là thuốc được sử dụng để giảm đau, hạ sốt phổ biến từ 1 thế kỷ nay với các chứng đau như: đau đầu, đau cơ, viêm khớp, đau lưng, đau răng, cảm lạnh và sốt. Thuốc có rất nhiều tên thương mại và dạng bào chế như viên nén, viên sủi, viên đặt hậu môn, dung dịch tiêm truyền…
Paracetamol được xem là loại thuốc tương đối an toàn nếu dùng đúng liều chỉ định. Chính vì lý do “an toàn” này mà thuốc hiện đang bị lạm dụng trong cộng đồng. Do đây là loại thuốc không kê đơn (OTC) nên có thể dễ dàng mua nó tại bất kỳ hiệu thuốc nào với số lượng bao nhiêu.
Dù chưa có số thống kê chính xác, nhưng đã có rất nhiều trường hợp ngộ độc gan, suy gan, thậm chí là tử vong do paracetamol. Những trường hợp này chủ yếu là do bệnh nhân tự ý sử dụng mà không lường được tác hại của thuốc có thể mang lại.
Dùng quá liều Paracetamol dễ gây độc cho gan.
Vì sao thuốc gây độc trên gan?
Khi vào cơ thể, paracetamol sẽ đi vào máu và chuyển hóa ở gan. Trong quá trình chuyển hóa đó, nó sản sinh ra nhiều chất, trong đó có chất gây bất lợi cho gan (là N-acetylbenzoquinonimin). Khi uống paracetamol, gan phải huy động chất glutathion đến để trung hòa thuốc này. Nhưng khi dùng quá liều, gan không thể huy động đủ lượng glutathion để trung hòa lượng thuốc, chất có hại cho gan (N-acetylbenzoquinonimin) tăng vượt ngưỡng chịu đựng và gây ngộ độc… Đó là lý do khi dùng paracetamol liều cao hoặc khi chức năng gan suy giảm thì có thể dẫn đến nhiễm độc gan, hoại tử tế bào gan.
Thuốc ảnh hưởng trên hệ thần kinh
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Trường đại học Toronto (Canada) và Trường đại học British Columbia (Mỹ) đã chỉ ra rằng paracetamol có thể làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Cụ thể là thuốc ức chế khả năng hoạt động hệ thần kinh, có thể cản trở khả năng nhanh nhạy của bộ não.
Qua 2 nhóm người tham gia thử nghiệm, các nhà khoa học đã thấy rõ ở những người sử dụng 1.000mg acetaminophene – tương đương với liều sử dụng thông thường – có một sự khác biệt trên điện não đồ so với nhóm người không sử dụng thuốc. Những người đau đầu không được dùng thuốc, mặc dù phải trải qua các cơn đau về thể chất, tinh thần, nhưng sau cơn đau, não bộ của họ vẫn hoạt động bình thường. Còn nhóm đối chứng được sử dụng acetaminophen, thì để lại dấu vết trên một vùng của bộ não. Cụ thể, não hoạt động chậm lại và phản ứng kém nhạy bén với một số tình huống nhất định xảy ra thường ngày. Khả năng nhận ra các lỗi trên máy tính cũng bị suy giảm.
Các cảnh báo đặc biệt khác
Đối với phụ nữ mang thai, nếu dùng quá liều paracetamol có thể gây độc cho thai nhi vì thuốc này dễ dàng truyền qua rau thai. Một nghiên cứu gần đây cũng cho biết rằng nếu phụ nữ thường xuyên phải sử dụng thuốc paracetamol thì đứa trẻ sinh ra có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn.
Nếu sử dụng paracetamol lâu dài, đặc biệt đối với người cao tuổi, thuốc có thể gây mệt mỏi. Do thuốc làm mất đi phân tử hemoglobin trong tế bào hồng cầu, phân tử này có nhiệm vụ mang oxy tới các tế bào khác trong cơ thể, do vậy khi thiếu nó, cơ thể trở nên mệt mỏi.
Ngộ độc cấp paracetamol thường xảy ra ở trẻ em hơn. Đối với người lớn, thường ngộ độc cấp xảy ra ít hơn, chủ yếu là ngộ độc trường diễn, đặc biệt đối với người có bệnh gan, nghiện rượu, sốt rét và các dấu hiệu ngộ độc cũng tương tự như ở trẻ em nhưng đôi khi không rõ rệt.
Nên sử dụng thuốc như thế nào cho an toàn?
Nên dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp chưa được kê đơn thì chỉ dùng đúng theo chỉ dẫn trong toa thuốc kèm theo. Không tự ý tăng liều nếu thấy thuốc chưa có tác dụng. Vì thuốc có rất nhiều dạng bào chế khác nhau và được kết hợp với các thành phần khác trong các loại thuốc điều trị cảm, ho – sổ mũi thông thường… nên khi dùng thuốc phải lưu ý chúng có trùng hoạt chất với nhau không. Lưu ý cách hướng dẫn sử dụng từng dạng bào chế có ghi trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc…
Ngừng sử dụng thuốc và đến gặp bác sĩ ngay nếu: vẫn còn sốt sau 3 ngày sử dụng, vẫn đau sau 7 ngày dùng thuốc (5 ngày đối với trẻ em). Thấy xuất hiện phát ban trên da, đau đầu liên tục hoặc các triệu chứng không giảm mà còn xấu hơn, xuất hiện triệu chứng mới…
Không nên dùng thuốc khi đã có tiền sử dị ứng với thuốc. Trước khi dùng paracetamol, cần phải biết xem có bệnh gan hay không, tiền sử nghiện rượu (vì rượu làm tăng độc tính của thuốc), không dùng thuốc khi trước đó đã từng mắc bệnh gan do rượu, không uống thuốc khi uống rượu.
Khi có dấu hiệu quá liều thuốc (chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng, đổ mồ hôi, đau đầu, nhầm lẫn, suy yếu, nước tiểu đậm màu, vàng da, vàng mắt…) thì phải đến bệnh viện ngay.
DS. Bùi Ngọc Lan Hương