Dân văn phòng hãy đi lại để phòng bệnh tiểu đường

Dân văn phòng không nên ngồi lâu mà thay vào đó thỉnh thoảng nên đứng dậy đi lại, uống nước, ăn trái cây giúp tăng cường chuyển hóa, phòng ngừa bệnh tiểu đường và tim mạch.

Có bằng chứng cho thấy rằng ngồi trong thời gian dài có thể có nguy cơ hại đối với sức khỏe. Tuy nhiên, người ta ít biết về việc ngồi lâu, kèm đứng và đi bộ thỉnh thoảng xen kẽ sẽ tác động có lợi lên sức khỏe như thế nào?

Đi lại giúp tăng cường trao đổi chất cho cơ thể, phòng ngừa tiểu đường

Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Anh và Australia thiết kế một nghiên cứu kéo dài hai ngày liên quan đến 22 phụ nữ mãn kinh thừa cân hoặc béo phì có lượng đường trong máu cao và có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Vào ngày đầu tiên, những người phụ nữ của một trong ba nhóm được yêu cầu thực hiện: Một nhóm ngồi cho 7,5 giờ liên tục. Hai nhóm còn lại ngồi trong khoảng thời gian 7,5 giờ, nhưng một nhóm được yêu cầu đứng dậy trong năm phút sau mỗi nửa giờ và một nhóm thực hiện đi bộ năm phút sau mỗi nửa giờ. Ngày thứ hai, tất cả ba nhóm ngồi cho 7,5 giờ liên tục.

di-lai-thay-vi-ngoi-lau-tang-cuong-trao-doi-chat-ngua-tieu-duong

Vận động, trò chuyện với mọi người trong giờ nghỉ giải lao giúp tăng cường chuyển hóa và phòng bệnh mạn tính. Ở một vài nơi trên thế giới, thậm chí người ta còn tổ chức tiệc khiêu vũ giữa giờ để giúp nhân viên văn phòng có thể vận động xương khớp, tăng cường giao lưu hiểu biết lẫn nhau hơn.

Trong cả hai ngày, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra nồng độ trong máu của mỗi người tham gia bao gồm glucose, insulin, axit béo và triglyceride. Đây là những chỉ số kiểm tra tình trạng chuyển hóa của cơ thể. Họ phát hiện ra rằng cả hai nhóm đi bộ và đứng có giảm glucose, insulin và các axit béo, tức là có dấu hiệu tốc độ chuyển hóa cao hơn trong những người phụ nữ hoặc đứng hoặc đi bộ so với những người ngồi suốt buổi. Hơn nữa, trong hai nhóm có hoạt động, một số tác dụng có lợi tiếp tục tồn tại vào ngày hôm sau, khi mọi người ngồi liên tục trong thời gian quy định.

Khoảng thời gian 7,5 giờ tương ứng với thời gian của một ngày làm việc bình thường. Thực hiện nghỉ ngơi đều đặn bằng cách đứng hoặc đi bộ là một phương pháp đơn giản mà có thể dễ dàng áp dụng vào các ngày làm việc và có thể tăng sự trao đổi chất của cơ thể. Bài báo đã đăng tải trên tạp chí tiểu đường Diabetes Care.

Không nên ngồi lâu, hãy rời khỏi ghế ngồi

Thật ra, nghỉ giải lao giữa các tiết học, giữa các buổi làm việc kéo dài là những áp dụng rất khoa học. Vào thời gian giải lao, bạn không nên tiếc công việc, hãy rời khỏi ghế để đứng dậy đi lại, uống nước lọc, ăn nhẹ trái cây hay các loại hạt nguyên hạt…, trò chuyện tương tác với mọi người xung quanh, vui cười thoải mái không những giúp lấy lại năng lượng cho công việc mà còn giúp cơ thể tăng hoạt động chuyển hóa và trao đổi chất, phòng tránh các bệnh tim mạch chuyển hóa thường gặp như tăng huyết áp, đái tháo đường…

TS.BS. Lê Thanh Hải

(tham khảo Harvard Health Publications)