Một loại virus mới đã được xác định, và nó thật kỳ lạ, nó thách thức quan niệm lâu nay về những gì cần cho một virus lây nhiễm và sinh sôi nảy nở trong một vật chủ.
Theo lẽ thường, nếu một virus chèn được gen của nó vào một tế bào, thì có nghĩa virus đó đã chiếm quyền điều khiển của tế bào chủ. Nhưng nếu ta cắt nhỏ virus, và cố gắng nhồi nhét các mảnh cắt đó vào một tế bào động vật riêng biệt? Nó sẽ không hoạt động.
Thông thường, Virus là các vi sinh vật có kích thước vô cùng nhỏ bé, chỉ bằng 1/100 kích thước vi khuẩn, không có cấu tạo tế bào, chỉ có thể nhân lên trong các tế bào chủ và sử dụng bộ máy trao đổi chất và ribosome của tế bào chủ để tổng hợp nên các bộ phận cấu thành sau đó lắp ráp các bộ phận này tạo thành các hạt virus gọi là các virion mang bộ gene virus và có thể nhiễm vào các tế bào chủ khác. Các virion là các hạt virus được lắp ráp bên trong tế bào từ các cấu phần đặc biệt, mang bộ gene virus. Virion không phát triển và không phân chia và được coi như giai đoạn ngoài tế bào của virus (extracellular phage).
Các virion sẽ tiếp tục lây nhiễm sang các tế bào khỏe mạnh khác, đó chính là cơ chế lây nhiễm và phát triển của virus. Có thể hình dung các virion như những con tàu vũ trụ mang bộ gene virus từ tế bào này sang tế bào khác đồng thời bảo vệ bộ gene virus trong một môi trường “không thuận tiện” mà ở đó virus không thể nhân lên được.
Một khi virus tiếp xúc với một thụ thể trên bề mặt tế bào, nó xuyên thủng màng tế bào, và gửi DNA và RNA của nó bên trong, sử dụng c ác enzyme của tế bào chủ để tổng hợp nên các hạt virus mới dựa trên bộ gen của virus, và khi đủ hạt bản sao đã được sản xuất, virus giết chết và phá vỡ các tế bào để lây nhiễm sang các tế bào khác.
Mới đây, các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Y học về các bệnh truyền nhiễm của quân đội Mỹ (US Army Medical Research Institute of Infectious Diseases) vừa phát hiện một loài virus có đặc tính kỳ lạ, khác hẳn bất cứ loại virus nào trước đây, đó là virus Guaico Culex (GCXV) – một loại virus “đa thành phần” được phát hiện ở muỗi.
Virus này tương tự như một chiếc túi chứa đầy đủ các bộ phận cơ thể riêng rời nhau và nếu bạn ném chúng vào một bức tường tế bào, bằng cách nào đó, gần như là chắc chắn là chúng sẽ liên kết và ghép lại được với nhau.
Nhà virus học Edward Holmes từ Đại học Sydney, Úc, người không tham gia vào cuộc nghiên cứu, nói: “Đó là điều kỳ lạ nhất. Nếu bạn so sánh nó với cơ thể con người, nó giống như một người sẽ có đôi chân, thân và cánh tay tất cả ở những nơi khác nhau,” ông nói. “Sau đó, tất cả các mảnh đó sẽ ghép lại với nhau theo một số cách để thành một con virus hoạt động. Tôi không nghĩ rằng bất cứ điều gì khác trong tự nhiên lại di chuyển theo cách này”.
Các vật liệu di truyền của virus Guaico Culex đã được tách rời thành năm “mảnh” độc lập và để bị nhiễm nó, bạn chỉ cần bị tiếp xúc với ít nhất bốn loại “mảnh” khác nhau. Mảnh ghép thứ năm có vẻ như là một tùy chọn lấy ngay ở trong tế bào chủ.
Câu hỏi khiến các nhà khoa học lo sợ là ngoài muỗi ra, có bao nhiêu động vật khác có thể bị nó lây nhiễm. Và tác động của nó trên từng loại vật chủ khác nhau như thế nào?
Hơn nữa, sự lo sợ càng gia tăng khi loài này được cho là có quan hệ gần gũi với các virus thuộc nhóm virus phân đoạn Jingmenviruses – nhóm virus đã tìm thấy xuất hiện ở loài khỉ.
Do đó các nhà khoa học e sợ rằng nó có thể lây lan sang các loài linh trưởng, động vật có vú và thậm chí cả con người. Nếu nó lây lan sang con người thì đây có thể là loài virus nguy hiểm nhất mà chúng ta phải đối mặt.
Liệu rằng loài sinh vật bé nhỏ này đang tiến hóa lên một nấc thang mới và trở nên đáng sợ hơn?
Virus Guaico Culex được phát hiện trong quá trình tiến hành của một cuộc điều tra bởi đội ngũ y tế của quân đội Mỹ để phân lập virus do muỗi truyền từ khắp nơi trên thế giới, trong một nỗ lực để ngăn chặn dịch bệnh lây lan như gần đây của Zika.
Nhà virus học Gustavo Palacios, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, đã viết trong một thông cáo: “Với tất cả sự đa dạng được tìm thấy trong những loại virus mới này, chúng ta không thể lường trước kế tiếp sẽ có những gì tác động đối với sức khỏe con người.”
DS Bùi Sỹ Thành (Theo sciencealert,2016)