Mỗi dạng bào chế thuốc đều nhằm mục đích điều trị riêng nên cần tuân thủ cách đưa thuốc vào cơ thể theo đúng hướng dẫn. Việc sử dụng thuốc đúng cách sẽ phát huy hết tác dụng của thuốc từ đó đẩy nhanh quá trình chữa lành bệnh, ngược lại nếu dùng sai cách sẽ giảm hiệu quả điều trị và nguy hiểm hơn là có thể gây hại cho bản thân.
Đối với dạng bào chế
Nếu là thuốc viên nén, cần uống thuốc nguyên viên với nước đun sôi để nguội. Tuy nhiên, với thuốc kháng acid dùng trong điều trị viêm loét dạ dày thì lại phải nhai trước khi uống.
Đối với dạng viên nén sủi bọt thì cần hòa tan thuốc hoàn toàn trong nước (pha đúng lượng nước trong tờ hướng dẫn sử dụng hoặc hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ), và uống hết.
Dạng thuốc bao tan ở ruột, thường được bào chế dạng viên nén bao phim (do được bọc một lớp phim mỏng) nên thuốc không bị tan khi đến dạ dày. Lớp phim này sẽ tan rã và thuốc được phóng thích khi đến ruột. Nhờ bao phim, thuốc không bị dịch vị ở dạ dày phân hủy, và do đó không gây tổn hại niêm mạc dạ dày. Vì vậy cần phải nuốt nguyên viên thuốc.
Một số dạng bào chế đặc biệt, thường là thuốc trị đau thắt ngực thì có hướng dẫn là ngậm, hoặc đặt dưới lưỡi, cho thuốc tan từ từ.
Đối với thuốc viên nén nhưng để dùng ngoài (như thuốc đặt âm đạo), cần nhúng ướt viên thuốc trước khi dùng để tránh trầy xước niêm mạc âm đạo.
Đặc biệt, với dạng thuốc có tác dụng chậm (hay thuốc có tác dụng kéo dài), là dạng thuốc phóng thích hoạt chất liên tục, từ từ, với tốc độ được kiểm soát trong thời gian dài (thường là 12 giờ)… Do dạng thuốc này thường chứa liều cao hơn dạng thuốc thông thường, nên lưu ý khi dùng phải đúng số viên, số lần và thời gian uống thuốc trong ngày theo chỉ định của thầy thuốc, nếu không có thể bị nguy hiểm do quá liều. Dạng thuốc này cần phải nuốt nguyên viên.
Cách dùng nước để uống thuốc
Một số bệnh nhân dùng ít nước hoặc thậm chí là không dùng nước để uống thuốc mà nuốt khan viên thuốc. Với cách này, thuốc có thể bị vướng, mắc ở thực quản gây tổn thương thực quản. Mặt khác, do không có đủ nước để làm tan thuốc, một số loại thuốc sẽ kết thành sỏi trong cơ thể.
Do vậy, khi uống thuốc cần lưu ý là phải uống với khoảng 100 – 150 ml nước để làm hạn chế tác hại này của thuốc. Không nên dùng với các loại nước khác như sữa, nước hoa quả, trà, côca, cà phê, rượu… đều có tương tác với thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, thậm chí gây hại.
Uống thuốc thế nào là đúng?
Một số bệnh nhân uống thuốc ở tư thế nằm hoặc uống thuốc xong lại đi nằm ngay. Đây cũng là một cách uống thuốc không đúng. Khi uống thuốc ở tư thế này, thuốc chưa kịp trôi xuống dạ dày, rất dễ bị dính vào vách thực quản, không những giảm hiệu quả điều trị mà còn gây kích ứng thực quản, dẫn đến ho, viêm, thậm chí tổn thương thực quản. Bởi vậy, nên ngồi hoặc đứng khi uống thuốc, sau đó khoảng 10 – 15 phút mới nên đi nằm.
Quan niệm rằng nghiền thuốc ra để uống cho dễ và thuốc nhanh có tác dụng hơn là một sai lầm. Mỗi dạng bào chế thuốc đều nhằm mục đích điều trị riêng nên cần tuân thủ cách đưa thuốc vào cơ thể theo đúng hướng dẫn. Chẳng hạn như với thuốc dạng tác dụng chậm, phóng thích dần vào cơ thể, nếu nghiền nhỏ ra, thuốc sẽ cho tác dụng cấp tập một lần, gây nguy hiểm.
Đối với trẻ nhỏ, nếu không nuốt được cả viên, nên trao đổi với bác sĩ về điều này để được đổi dạng thuốc hoặc được hướng dẫn xem loại thuốc đó có thể nghiền nhỏ hay không.
Đối với dạng thuốc nước không được uống thuốc thẳng từ chai, lọ thuốc. Cách uống thuốc này sẽ không kiểm soát được chính xác liều lượng của thuốc mà còn làm thuốc bị nhiễm bẩn, biến chất. Cần dùng dụng cụ đo lường đi kèm theo chai, lọ thuốc đó để đong thuốc.
Thời điểm uống thuốc
Thời điểm uống thuốc là rất quan trọng. Thuốc có thể được uống vào trước ăn (lúc bụng rỗng), sau ăn (lúc bụng no) hoặc trong khi ăn. Khi đi khám bệnh được kê đơn thuốc, bác sĩ thường căn dặn bệnh nhân điều này, bệnh nhân cần tuân thủ để thuốc phát huy tối đa hiệu quả của thuốc.
Trường hợp là thuốc không kê đơn, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng xem thời điểm uống thuốc đó vào lúc nào. Nếu trong hướng dẫn không có lưu ý về thời điểm uống, thuốc đó uống vào thời điểm nào cũng được.
Không nên uống bù: Nhiều bệnh nhân tới giờ uống thuốc nhưng lại quên không uống. Đến lần uống sau uống bù hai liều cộng lại. Điều này sẽ gây hại làm cho nồng độ thuốc trong máu tại thời điểm uống thuốc tăng cao, có thể gây nguy hiểm.
Với bệnh nhân phải dùng nhiều loại thuốc, đặc biệt là ở người cao tuổi, mắc nhiều bệnh, để tránh quên thuốc, họ thường uống thuốc cùng một lúc rất dễ gây ra các tương tác bất lợi. Vì vậy, cần hỏi kỹ bác sĩ về thời điểm dùng các loại thuốc và bệnh nhân cần tuân thủ.
Khi mới uống thuốc xong không nên vận động ngay. Bởi sau khi thuốc vào đến dạ dày, phải mất 30-60 phút thì thuốc mới phát huy tác dụng. Quá trình này cần có đủ lượng máu tham gia tuần hoàn. Việc vận động ngay sau khi dùng thuốc thì tuần hoàn sẽ phải tăng cường lượng máu đến hệ vận động, làm giảm lượng máu đến các cơ quan nội tạng và làm giảm hiệu quả hấp thu thuốc.